Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị thu hồi cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” dạy học sinh đi trên thảm thủy tinh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều cuốn sách với nội dung nhảm nhí “đội lốt” hỏi đáp nhanh trí, đố vui cân não, đố vui cho trẻ thông minh đang bày bán tràn lan ngoài thị trường.
Vui mà muốn khóc!
Chị Mai Lan - một phụ huynh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội - phát hoảng khi đọc cuốn “Đố vui cân não” của NXB Văn hóa Thông tin. “Ở câu 10, sách hỏi: “Tại sao nhảy lầu tự tử mà bị chết đuối?.Đáp án: “Vì phố bị ngập nước”. Một câu khác: “Có cách nào nửa đêm con khóc đòi sữa mà chỉ cần dùng ngón chân cái cũng pha được sữa không?”. Đáp án: “Dùng một ngón chân khều ông xã dậy pha sữa”. “Tôi thật sự không hiểu những câu hỏi - trả lời vớ vẩn như vậy mà lại được cho là đố vui cân não. Nó hại não những đứa trẻ thì đúng hơn” - chị Lan bức xúc.
Mục chơi khăm trong cuốn “Đố vui cân não” dạy trẻ làm điều phản giáo dục
Trong cuốn sách này còn hàng loạt những câu hỏi và cách giải quyết phản khoa học, phản giáo dục. Ví dụ: “Làm thế nào để đo chiều cao của một cái cây lớn mà không cần leo lên ngọn cây”. Đáp án: “Chặt cây rồi đo”. “Vì sao sữa mẹ tốt nhất?”. Đáp án: “Vì sữa mẹ không tăng giá”. Một câu hỏi khác: “Một người ông đóng đinh vào tường để treo gương, sợ treo thấp không an toàn cho cháu, người ông này treo rất cao và không thể soi được. Vậy làm cách nào để soi gương mỗi ngày?”.
Cách giải quyết mà sách đưa ra là hằng ngày, cháu giúp ông soi gương bằng cách đứng lên 2 vai của cháu. Cũng trong sách này còn có câu hỏi: “Làm sao để nó nín đây?”. Câu chuyện đưa ra là một đứa bé có trò vui là đập đồ đạc, khi không được đập thì sẽ hờn khóc. Để mua vui cho cháu, ông bà cùng mang đồ đạc cho cháu đập, thế là vui cả nhà.
Cũng trong diện thảm họa đố vui là cuốn “Hỏi đáp nhanh trí” tập 5 nằm trong “Tủ sách thiếu nhi” của NXB Mỹ thuật. Ngay ở trang 3, câu hỏi đầu tiên kiểu: “Quần rộng nhất là quần gì?”, đáp án: “Quần đảo”. Hỏi: “Răng của ai trắng nhất?” Đáp án: “Người da đen”. Hỏi: “Nhà vô địch quyền Anh dễ bị cái gì đánh ngã?”. Đáp án: “Giấc ngủ”.
Chưa hết, các phụ huynh còn tá hỏa vì rất nhiều câu hỏi ngây ngô trong sách “Những câu đố vui dành cho trẻ thông minh” (NXB Hồng Đức) kiểu như: “Loại người nào mà cơm đến há miệng, áo đến giơ tay?”. Trả lời: “Trẻ nhỏ”. Hỏi: “Từ điển không có 2 từ “hạnh phúc” là từ điển nào?”. Đáp án: “Từ điển nước ngoài”...
Chị Mai Phương, sống tại quận Cầu Giấy, bức xúc: “Tôi thấy bực mình và phí tiền khi mua những cuốn sách này. Không thể hiểu nổi tại sao những câu hỏi vô nghĩa, đôi khi còn có phần thiếu giáo dục lại được làm để bán cho thiếu nhi - lứa tuổi như tờ giấy trắng, cần đọc những bài học tử tế”.
Hiểu sai về sách dạy kỹ năng cho trẻ
TS Nguyễn Tùng Tâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục, cho rằng trẻ em đang bị bao vây bởi vô số cuốn sách có nội dung nhảm nhí. Nếu bọn trẻ học theo những hướng dẫn trong cuốn sách ấy, kiểu như đòi đập phá đồ chơi không được thì ăn vạ cho đến khi được đáp ứng mới thôi, thì rất nguy hiểm. “Cần phải loại bỏ những cuốn sách ấy cũng như nên có chế độ kiểm duyệt kỹ càng hơn ở từng NXB” - TS Tâm nói.
Đồng tình, TS Vũ Thu Hương - giảng viên Khoa Sư phạm tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nhấn mạnh sách dành cho lứa tuổi mầm non, tiểu học cần có độ chuẩn nhất định. Học trong sách cũng giống như học trong gia đình, nếu bố mẹ cư xử không chuẩn thì con rất dễ bị ảnh hưởng theo. Với hàng loạt tình huống ngớ ngẩn mà sách nêu ra, cần xem lại các tác giả có đủ khả năng viết sách hay không? “Họ đã quá thương mại hóa những sản phẩm dành cho trẻ em. Đó là điều thực sự đáng lo ngại vì không phải bố mẹ nào cũng có thời gian lựa chọn giữa mê hồn trận sách cho con trẻ” - TS Hương nhận định.
TS Vũ Thu Hương cho rằng hiện không ít tác giả hiểu trẻ em là người lớn thu nhỏ nên đã đem khái niệm của người lớn về đánh giá và áp dụng dạy dỗ trẻ em. Do đó, sách kỹ năng sống được xuất bản cho trẻ nhưng nội dung không phù hợp. Đơn cử, có không ít tác giả hiểu nhầm thái độ hành vi là kỹ năng. Định nghĩa kỹ năng sống được hiểu thiên lệch dễ dẫn đến việc kết luận những phẩm chất đạo đức như: lòng dũng cảm, sự can trường... cũng được coi là kỹ năng sống. Thực chất đây là các thái độ hành vi chứ không phải là kỹ năng. Việc hiểu sai đã phần nào dẫn đến tình trạng lộn xộn trong việc phát hành sách kỹ năng sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét